Tình hình kinh tế Kinh_tế_Cộng_hòa_Dân_chủ_Nhân_dân_Triều_Tiên

Năm 1953, khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, sau khi bán đảo Triều Tiên thực hiện hiệp định đình chiến, CHDCND Triều Tiên bắt tay thực hiện ngay vào việc quy hoạch tái thiết kinh tế. Thời điểm này, hiện trạng CHDCND Triều Tiên chỉ là một đống đổ nát sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, nhà máy, công trường bị tàn phá nặng nề do bom đạn. Do binh lính và dân thường thương vong nghiêm trọng nên CHDCND Triều Tiên thiếu sức lao động chính vì thế, sau khi bán đảo thực hiện đình chiến, chính phủ CHDCND Triều Tiên đã xác định được chính sách phát triển kinh tế là trung tâm, xác định được tỉ lệ phát triển thích hợp cho nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặngcông nghiệp quốc phòng cộng với sự viện trợ của cộng đồng quốc tế trong đó sự viện trợ của Liên Xô, các nước Đông Âu và Trung Quốc để thực hiện việc xây dựng và tái thiết.

Thời kỳ hoàng kim

Năm 1954, CHDCND Triều Tiên thực hiện kế hoạch ba năm khôi phục nền kinh tế quốc dân. Từ năm 1957 thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, năm 1961 thực hiện kế hoạch 7 năm lần thứ nhất, sau đó lại kéo dài thêm 3 năm. Tháng 11 năm 1970, tại đại hội đại biểu lần thứ năm của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành tuyên bố Triều Tiên đã thành công trong việc trở thành nước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.[24]

Trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho CHDCND Triều Tiên khoản vật tư phục vụ cho chiến tranh và nhu yếu phẩm dùng trong đời sống hàng ngày với tổng trị giá lên tới 729,5 triệu Nhân dân tệ. Trong giai đoạn 1958-1963, Trung Quốc đầu tư 29 dự án như phát triển nhà máy dệt may, nhà máy sản xuất mía đường, nhà máy linh kiện vô tuyến điện cho CHDCND Triều Tiên theo hình thức cho vay không tính lãi.[24] Tháng 4 năm 1960, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho CHDCND Triều Tiên 1,3 tỉ Rúp, ngoài ra còn có dành một gói 3,6 tỉ Rúp cho vay với lãi suất thấp. Sau đó Liên Xô còn ký kết hiệp định viện trợ kỹ thuật và hiệp định thương mại lâu dài với CHDCND Triều Tiên, giúp Triều Tiên xây dựng nhà máy sản xuất thép, nhà máy phát điện, nhà máy lọc dầu… cung cấp thiết bị, công nghệp. Tháng 10 năm 1960, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai kiến nghị CHDCND Triều Tiên nên ưu tiên phát triển các dự án nhanh và ngắn, đồng ý cho CHDCND Triều Tiên vay 420 triệu Rúp chia ra trong 4 năm và không đặt nặng vấn đề hoàn trả.[24]

Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng giai đoạn hoàng kim 1950-1977

Thống kê cho thấy, 10 năm sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế CHDCND Triều Tiên lên tới 25%/năm, có thể coi là mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Năm 1960, báo chí Đông Đức khen ngợi CHDCND Triều Tiên là kỳ kích phát triển của kinh tế Viễn Đông. Và trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa của các nước châu Á, đất nước Triều Tiên thập kỷ 1960 được xếp ngang hành cùng Nhật Bản quốc gia cũng đã tạo ra kỳ kích kinh tế sau chiến tranh.[24]

Cuối thập kỷ 1960, toàn bộ nông thôn CHDCND Triều Tiên có đường điện. Năm 1962, để đáp ứng nhu cầu cấp bách của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc đã tháo dỡ toàn bộ thiết bị của nhà máy dệt may số 4, số 5 Hàm Đan đã xây dựng xong nhưng chưa đưa vào sử dụng và vận chuyển sang CHDCND Triều Tiên. Cuối thập kỷ 1970, CHDCND Triều Tiên tự túc được trong sản xuất lương thực.[24] Năm 1972, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên ký kết cùng xây dựng đường ống dẫn dầu và sẽ hoàn công vào tháng 1 năm 1976, công suất dẫn dầu lên tới 4 triệu tấn/năm. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên xây dựng nhà máy nhiệt điện 200.000 kW, hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng trong khi tại thời điểm đó, các thành phố của Trung Quốc, ngoài Bắc Kinh ra đều chưa có tàu điện ngầm.[52]

Năm 1979, CHDCND Triều Tiên được coi là một quốc gia chuẩn hiện đại hóa. Đầu thập kỷ 1980, 70% diện tích đất canh tác của quốc gia này được tưới tiêu, 95% hoạt động gieo cấy và 70% hoạt động thu hoạch được cơ khí hóa. Năm 1984, lần đầu tiên tổng sản lượng lương thực của CHDCND Triều Tiên đạt 10 triệu tấn, đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu một phần. Kinh tế công nghiệp của CHDCND Triều Tiên thời điểm đó cũng phát triển với tốc độ rất nhanh. CHDCND Triều Tiên là nước quan sát viên trong Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) đứng đầu là Liên Xô và được hưởng lợi nhiều từ khối kinh tế này.[52]

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế khiến GDP bình quân theo đầu người, tuổi thọ, tỉ lệ người biết chữ của CHDCND Triều Tiên tăng lên nhanh chóng. Chế độ phúc lợi xã hội của CHDCND Triều Tiên thời kỳ đó cũng khá cao, năm 1979 đã thực hiện toàn diện chế độ giáo dục miễn phí và y tế công cộng miễn phí, cung cấp toàn đồ dùng cần thiết là áo khoác, áo may ô và giày cho đối tượng từ trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến sinh viên đại học. Và việc phân bố nguồn của cải xã hội ở Triều Tiên khá đồng đều. Khách sạn Ryugyŏng một tòa nhà cao 330m ở Bình Nhưỡng được dự định là khách sạn cao nhất thế giới khi bắt đầu khởi công năm 1987 cũng là trong thời kỳ hoàng kim này.[52]

Suy thoái

Bắt đầu từ thập kỷ 1990, kinh tế CHDCND Triều Tiên bắt đầu xuất hiện hiện tượng suy thoái. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tan rã của Liên Xô và khối Đông Âu, khiến ngành ngoại thương của CHDCND Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các khoản viện trợ quốc tế cũng giảm mạnh, cơ cấu kinh tế của CHDCND Triều Tiên mất cân bằng, sự ưu tiên cho quốc phòng đã làm tiêu hao nguồn của cải quốc dân, không những trực tiếp tác động vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, mà còn ảnh hưởng hoạt động sản xuất tư liệu sản xuất dân dụng. Thiên tai liên tiếp xảy ra và ruộng đồng nhiều năm liền không được đầu tư nên không thể chống đỡ được với thiên tai. Việc tập trung quá mức cho quốc phòng khiến ngành công nghiệp thiếu sức lao động nghiêm trọng. Do sự phong tỏa và trừng phạt về kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây, CHDCND Triều Tiên bị cô lập và đứng ngoài cộng đồng quốc tế, không gian hợp tác chính trị quốc tế của CHDCND Triều Tiên ngày càng bị thu hẹp.[24]

Biểu đồ thể hiện GDP giai đoạn 1995-2004Biểu đồ thể hiện GDP của CHDCND Triều Tiên giai đoạn 1995-2004

Sau thập kỷ 1990, môi trường thương mại quốc tế ngày càng xấu đi, dự trữ ngoại tệ của CHDCND Triều Tiên ngày càng ít, hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu và dầu thô giảm mạnh, từ đó khiến hoạt động luyện kim, khai thác than, sản xuất điện cũng tụt dốc nhanh chóng, cả ngành công nghiệp rơi vào trạng thái suy thoái nghiêm trọng. Do không đủ nguyên liệu, nhiên liệu, điện, hầu hết các doanh nghiệp vừa và lớn ở trong trạng thái dừng sản xuất hoặc bán sản xuất, tỉ lệ máy móc được hoạt động trong doanh nghiệp chỉ đạt 30%.[24] Trước năm 1945, Hàn Quốc là nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong khi CHDCND Triều Tiên là quốc gia công nghiệp nhưng tình hình đã đảo ngược khi Hàn Quốc có nông nghiệp chỉ khoảng 2% GDP so với khoảng 20-25% kinh tế CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào nông nghiệp.[11]

Sau khi Liên Xô giải thể, giữa Nga và CHDCND Triều Tiên không còn duy trì hình thức hợp tác thương mại hàng đổi hàng, mà yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải bỏ tiền mặt ra để mua hàng hóa của Nga. Nga không còn cung cấp phân bón cho CHDCND Triều Tiên điều này dẫn đến sản lượng lương thực của Triều tiên giảm mạnh, dầu mỏ không đủ khiến nông trường cơ giới hóa lại quay về với thời lao động thủ công. Sự sụp đổ của Liên Xô cùng hàng loạt thảm họa thiên nhiên đã khiến nền công nghiệp nước này trượt dốc từ thập niên 80. Đỉnh điểm là thập niên 90, khiến cả nền kinh tế gần như sụp đổ đặc biệt là CHDCND Triều Tiên còn thiếu dầu mỏ trầm trọng, họ từng nhập dầu từ Liên Xô, nhưng lúc này lại không thể được như trước, nông nghiệp cũng ngày càng sa sút vì quá phụ thuộc vào phân bón trong một thời kỳ dài khiến đất đai biến chất và hoang hóa.[28]

Lúc này, kinh tế CHDCND Triều Tiên bắt đầu và chủ yếu lệ thuộc vào nguồn viện trợ lớn từ Trung Quốc, từ năm 1991, Trung Quốc thay thế Liên Xô và trở thành nước duy nhất cung cấp dầu thô cho CHDCND Triều Tiên, mỗi năm vận chuyển cho quốc gia này 500.000 tấn dầu, chiếm 80% tổng sản lượng dầu mỏ nhập khẩu của CHDCND Triều Tiên. Tính chung trong thập niên 1990, Trung Quốc cung cấp khoảng 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm.[53] chiếm gần một nửa viện trợ ra quốc tế. Năm 2005, nguồn lương thực Trung Quốc viện trợ cho CHDCND Triều Tiên 531.000 tấn, chiếm 92% tổng lượng lương thực mà thế giới viện trợ cho quốc gia này.[24]

Giai đoạn hiện nay

Sau giai đoạn suy thoái trầm trọng, kinh tế CHDCND Triều Tiên dưới thời lãnh đạo của Kim Chính Nhật được một số người đánh giá là bình ổn[54] Một số số liệu thống kê cho thấy, năm 2004, nông nghiệp Triều Tiên tăng 2,5% (đạt khoảng 4,25 tấn lương thực), khai thác mỏ tăng 21,3%, thủy điện tăng 17%, kim ngạch buôn bán của CHDCND Triều Tiên với 3 nước bạn hàng lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đạt 2,012 tỷ USD, chiếm 64,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên (3,115 tỷ USD). Năm 2005, sản lượng nông nghiệp đạt khoảng 4,8 triệu tấn lương thực, năm 2006 là 4 triệu tấn.[55]

Ruộng lúa ở Wonsan, CHDCND Triều Tiên khi được mùa bội thu

Năm 2008, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế CHDCND Triều Tiên vẫn đi lên (lúc này kinh tế CHDCND Triều Tiên đã trở lại với mức tăng trưởng dương), vượt cả mức tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc. Giới quan sát bất ngờ và khó tin vì rằng CHDCND Triều Tiên vốn còn nhiều khó khăn lại có nền kinh tế tăng trưởng cao hơn Hàn Quốc, nếu xét tới sức mạnh xuất khẩu của Hàn Quốc và những yếu kém nhiều mặt của kinh tế CHDCND Triều Tiên do các chương trình hạt nhân của nước này.[56] Cụ thể là vào năm 2008, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,7% sau hai năm suy giảm liên tiếp.[57] Một số liệu thống kê do Ngân hàng Trung ương Triều Tiên công bố, trong năm 2008, kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ 3,7% sau hai năm liền tăng trưởng âm. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng 2,2% mà Hàn Quốc đạt được trong năm 2008.[56]

Người ta gần như không nhận thấy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu lên kinh tế CHDCND Triều Tiên. Kinh tế toàn cầu bắt đầu trượt dốc từ cuối năm 2007 trong khi kinh tế CHDCND Triều Tiên có mức tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ qua. Điều này cho thấy mức độ khép kín của CHDCND Triều Tiên đối với thế giới.[56] Tuy vậy dù kinh tế năm 2008 tăng trưởng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, GDP của CHDCND Triều Tiên cũng chỉ bằng 1/38 mức GDP 935 tỷ USD của Hàn Quốc, kim ngạch thương mại tương đương 1/224 kim ngạch 857,3 tỷ USD của Hàn Quốc

Tuy nhiên, sau đó kinh tế CHDCND Triều Tiên phải lao đao sau khi bị trừng phạt kinh tế và cuộc cải cách tiền tệ, tình trạng xảy ra vì sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ của CHDCND Triều Tiên đều giảm, trong khi mức độ cấm vận của cộng đồng quốc tế lại gia tăng, dẫn đến kết quả CHDCND Triều Tiên vẫn là một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển trên thế giới[58] Kinh tế CHDCND Triều Tiên trải qua giai đoạn khó khăn khi GDP giảm 0,9% năm 2009 và 0,5% năm 2010, sau khi tăng trưởng 3,1% trong năm 2008.[29][47] Tính chung từ năm 2009 đến năm 2011, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 506 USD mỗi năm và 25% dân số luôn thiếu đói[28]

Năm 2010, CHDCND Triều Tiên tuyên bố mở cánh cửa cường quốc[24] nhưng năm 2010 thực sự là một năm khó khăn đối với kinh tế CHDCND Triều Tiên. Nhiều quốc gia đã cắt các khoản viện trợ cho nước này, đồng thời phong toả tài khoản tại các ngân hàng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm đáng kể. Theo thống kê, trong năm qua kim ngạch thương mại liên Triều giảm 20% so với năm 2008. Đặc biệt mức hỗ trợ giảm 83% từ gần 5,7 triệu USD xuống 1 triệu USD.[43] Năm 2011, mức phát triển kinh tế của giảm 0,5% so với năm 2010,[58] sau khi suy giảm 0,9% trong năm 2009. GDP danh nghĩa của CHDCND Triều Tiên đạt 30 nghìn tỷ Won trong năm 2010, tương đương 26,5 tỷ USD, so với mức 1.173 nghìn tỷ Won của Hàn Quốc. Thu nhập bình quân đầu người của CHDCND Triều Tiên năm 2010 đạt mức 1,24 triệu Won, so với mức 24 triệu Won của Hàn Quốc[59] Tính đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Triều Tiên vào khoảng 1800 USD/năm, tương đương với Ghana.[60]

Nhà ga xe lửa ở CHDCND Triều Tiên

Năm 2011, Tổng sản phẩm quốc nội của CHDCND Triều Tiên ước tính đạt 40 tỉ USD, xếp 103 thế giới. Xuất khẩu 4,71 tỷ USD/năm.[61] Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ước tính là 0,8%, Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.800 USD, thu ngân sách đạt 3,2 tỉ USD, Chi ngân sách lên đến 3,3 tỉ USD (kết quả được làm tròn tới 10 tỉ USD)[21] Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính thu nhập bình quân của CHDCND Triều Tiên trong năm này là chỉ là 506 USD và tăng trưởng -0,1%.[28][62] Một thông tin khác cho biết, tổng thu nhập quốc nội (GDP) CHDCND Triều Tiên năm 2011 chỉ ở mức 21 tỷ USD[63] Một thống kê khác, trong năm 2011, mức thu nhập toàn quốc của Triều Tiên là 26,5 tỷ đô la, tức chỉ bằng 2,5% so với mức thu nhập của Miền Nam[58] và kinh tế CHDCND Triều Tiên tăng trưởng âm trong hai năm 2009-2010, sau nhiều năm tăng trưởng dương xét về tổng GDP, kích cỡ của nền kinh tế CHDCND Triều Tiên tương đương với Iraq trước khi có chiến tranh.[11] Trong khi GDP bình quân đầu người tại CHDCND Triều Tiên cao hơn Hàn Quốc trong năm 1970, đến năm 2003 kinh tế bình quân Hàn Quốc đã lớn hơn CHDCND Triều Tiên gấp 15 lần.[64]

Trong năm 2011, tổng thu nhập quốc gia (GNI) của nước này đạt mức 33,5 nghìn tỷ won (29,7 tỷ USD) và chỉ bằng 2,6% mức GNI 1.279,5 nghìn tỷ won của Hàn Quốc.[29][30] Tốc độ tăng trưởng kinh tế của CHDCND Triều Tiên đạt 0,8%,[47] trong đó tốc độ tăng trưởng của các ngành trên đạt 5,3%, sản lượng ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo của tăng 1,3% và 1,6%, lần tăng đầu tiên kể từ khi mở rộng sản xuất vào năm 2008, cả hai ngành công nghiệp này suy giảm 3 năm trước đó, kim ngạch thương mại liên Triều là 19,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 15% so với năm trước đó, thương mại song phương gần như đều đến từ khu công nghiệp Kaesong.[65]

Xe hơi Pyeonghwa Pronto GS do Triều Tiên sản xuấtXe tải Pyeonghwa Paso 990 do Triều Tiên sản xuất

Năm 2012, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) báo cáo kinh tế của CHDCND Triều Tiên tăng trưởng đạt 1,3% trong năm 2012, năm trọn vẹn đầu tiên dưới thời Kim Jong-un[47] và là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ 2009, sau mức tăng trưởng 0,8% trong năm trước đó, đây là năm thứ hai liên tiếp kinh tế CHDCND Triều Tiên khởi sắc và cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm gần đây.[30] Gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều được cải thiện, ngành sản xuất của CHDCND Triều Tiên tăng 1,6% còn nông nghiệp và ngư nghiệp (sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản) tăng 3,9% so với 2011 nhờ vào việc sử dụng phân bón để mở rộng và nâng cao sản lượng đây là một sự chuyển hướng mạnh sau khi sụt giảm tới 3% trong năm 2011.[47][65][66] Một dự báo khác cho biết tăng trưởng kinh tế hàng năm của CHDCND Triều Tiên có thể đạt mức 12% nếu nước này hội nhập vào kinh tế toàn cầu.[63]

Ngoài ra, sản xuất lương thực của CHDCND Triều Tiên cũng có dấu hiệu khả quan, ước tính sản lượng gạo của CHDCND Triều Tiên đã tăng 11% so với năm 2011, trong khi sản lượng ngô tăng 10%.[66] Dù sản lượng nông nghiệp và ngư nghiệp của Triều Tiên tăng 3,9% trong năm 2012, thực tế là nước này vẫn không sản xuất đủ lương thực nuôi sống 24,4 triệu người và chính Liên Hợp Quốc từng khẳng định Bình Nhưỡng đang đối mặt với nạn thiếu lương thực nghiêm trọng.[30]

Năm 2012, kim ngạch ngoại thương của CHDCND Triều Tiên lên tới 6,81 tỉ USD tăng 7,1% so với năm 2011 trong đó xuất khẩu tăng 3,3% và nhập khẩu tăng 10,2%.[65] Dù Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc vẫn tăng mạnh, thương mại hai chiều đạt 6,3 tỷ USD, tăng gấp bốn lần so với thống kê vào năm 1998 (1,4 tỷ USD) Một con số khác cho biết đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc đã chiếm 5,6 tỷ USD.[66] Đặc biệt là kim ngạch thương mại song phương Trung - Triều đã đạt đến mức kỷ lục mọi thời đại là 1,37 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm 2012.[67]

Việc tăng trưởng của kinh tế CHDCND Triều Tiên năm 2012 chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất, việc lĩnh vực sản xuất phát triển phần nào phản ánh khả năng cung ứng điện tốt hơn dưới thời ông Kim Jong-un, người cũng đã chỉ đạo gia tăng sản lượng chăn nuôi và nông nghiệp,[30] ngoài ra, nguồn thu nhập của CHDCND Triều Tiên chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô cho Trung Quốc, đồng thời, sự khởi sắc của kinh tế CHDCND Triều Tiên có phần đóng góp không nhỏ từ sự hào phóng của các nhà tài trợ quốc tế ví dụ như sau cơn bão Bolaven đổ bộ vào bán đảo Triều Tiên tháng 8 năm 2012, Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức cứu trợ khác đã hỗ trợ nước này bằng cách cấp thêm lương thực và phân bón, giúp cho sản lượng gạo và ngô tăng lên.[30]

Năm 2013, Hàn Quốc đã công bố kết quả cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tổng thu nhập quốc nội (GDP) của CHDCND Triều Tiên trong năm 2013 là 854 USD, chỉ bằng 3,6% so với mức thu nhập 23.838 USD của một người dân Hàn Quốc. Sản lượng ximăng và phân bón hóa học của CHDCND Triều Tiên lần lượt là 6,446 triệu tấn và 476.000 tấn, tương đương với mức 5,822 triệu tấn và 590.000 tấn của Hàn Quốc vào năm 1970. Sản lượng thép và ôtô ở CHDCND Triều Tiên hiện nay tương ứng chỉ bằng 1,8% và 0,1% của Hàn Quốc.[68] CHDCND Triều Tiên hiện nay có 300 khu chợ trên khắp CHDCND Triều Tiên. Nhiều khu chợ có diện tích rộng hơn cả sân bóng đá.[69] Nhìn chung thì kinh tế CHDCND Triều Tiên tăng trưởng 1,1% năm 2013. Nông nghiệp tăng trưởng 1,9% nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng công nghiệp tăng 1,5%, cao hơn chút ít so với năm 2012, ngành khai mỏ tăng 2,1%, trong khi các ngành chế tạo và dịch vụ tăng lần lượt 1,1% và 0,3%. Kim ngạch ngoại thương của CHDCND Triều Tiên năm 2013 đã đạt mức cao kỷ lục 7,34 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD và nhập khẩu 4,13 tỷ USD.[70]

Tăng trưởng GDP hàng năm[38][71]
20002001200220032004200520062007200820092010201120122013
1.3%3.7%1.2%1.8%2.2%1.0%1.6%1.8%3.7%0.9%0.5%0.8%/
- 0.1%
1.3%1.1%